Trứng cá muối chắc chắn là một trong những món ăn khiến bạn phải nâng niu từng thìa. Nó thuộc nhóm những món ăn đắt nhất thế giới mà người ta phải gọi là “vàng đen”. Loài cá tầm hoang dã, nguyên liệu cho trứng cá muối, ngày càng hiếm hoi càng khiến món ăn thêm quý giá. May mắn thay, các phương pháp canh tác mới và bền vững đã giúp loài này được đưa trở lại từ bờ vực tuyệt chủng. Đó là một tin tốt cho những người bảo vệ môi trường và những người sành ăn.
Trứng cá muối được cho là món ăn ngon được tôn sùng nhất của thế giới ẩm thực. Về cơ bản, trứng cá muối được làm từ trứng cá tầm. Có khoảng 27 loài cá tầm trong họ Acipenseridae. Nhưng 3 loài thường được dùng làm trứng cá muối nhất là huso huso cho Beluga, Acipenser gueldenstaedtii cho Osetra, và Acipenser stellatus cho Sevruga.
Theo truyền thống, trứng cá muối chỉ đề cập đến trứng của cá tầm hoang dã được tìm thấy ở Biển Caspi và Biển Đen (trứng cá muối Beluga, Osetra và Sevruga).
Trứng cá muối luôn phải được đựng trong bát thủy tinh ướp lạnh, tốt nhất là làm bằng pha lê. Không được dùng thìa kim loại để thưởng thức, bởi kim loại có thể tạo ra hương vị không mong muốn. Do đó, thìa ăn trứng cá muối được làm bằng vật liệu trơ như sừng động vật, vàng, xà cừ và gỗ. Hơn nữa, thông thường người ta chỉ phục vụ trứng cá muối với số lượng nhỏ hơn một muỗng canh.
Có 4 loại trứng cá muối khác nhau: Osetra, Sevruga, Beluga và Osetra vàng. Sự khan hiếm, ngon lành và hương vị của nó làm cho trứng cá muối khi ăn sẽ tạo ra một hương vị hỗn hợp tinh tế của muối và cá, vị umami và các loại hạt. Một vị mặn ngọt rất riêng. Trứng cá muối Nga được xem là nổi tiếng nhất, được gắn nhãn với sự hào nhoáng và sang trọng.
Là một người sành ăn, một bữa thưởng thức trứng cá muối đúng nghĩa gồm: rượu champagne đựng trong một tủ lạnh rượu bằng bạc, một khay hình bầu dục Georgia có chân, ly champagne pha lê, và một bát trứng cá muối bằng pha lê và bạc sterling.
Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, trứng cá muối vàng Almas là loại trứng cá muối đắt nhất thế giới. Almas được tạo ra từ trứng của loài cá tầm bạch tạng quý hiếm, khi cá có độ tuổi từ 60 đến 100 tuổi. 1kg “vàng đen” này được bán ra với giá lên tới 34.500 USD.
Để được thưởng thức trứng cá muối, 30g có giá từ 50-75 USD. Đó chỉ là mức giá trung bình. Giá của trứng cá muối cụ thể phụ thuộc vào loại cá (sự khan hiếm), thời gian cần để thu hoạch, sản xuất, chất lượng của trứng cá muối và cung-cầu.
Một lý do khác khiến trứng cá muối có giá cao như vậy là do sau nhiều thập kỷ bị đánh bắt và săn trộm quá mức, cá tầm hiện là loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Biển Azov, nối với Biển Đen bằng eo biển hẹp Kerch, đã bị khai thác để lấy cá tầm ngay từ thế kỷ thứ 10. Tầng lớp quý tộc Hy Lạp cực kỳ ưa chuộng món trứng cá muối được làm từ đây.
Trong suốt thế kỷ 20, biển Caspi là nguồn cung cấp cá tầm chính cho món trứng cá muối. Khi đó, Liên Xô và Iran thống trị thị trường.
Theo thời gian, biển Caspi nguyên sơ – vùng biển nội địa lớn nhất thế giới, thuộc nước Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan – bị suy thoái do ô nhiễm từ ngành công nghiệp dầu mỏ và các con sông thoát nước thải chưa qua xử lý.
Kết quả là quần thể cá tầm sụt giảm nghiêm trọng. Năm 1998, loài cá này được bảo vệ bởi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES ). Năm 2002, Nga ban hành lệnh cấm tư nhân khai thác và bán trứng cá muối. Năm 2005, Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu trứng cá muối biển Caspi. Một tháng sau, lệnh cấm bao gồm toàn bộ trứng cá muối từ Biển Đen.
Cá tầm đánh bắt tự nhiên và trứng cá muối được làm từ nguồn nguyên liệu này hiện được quản lý nghiêm ngặt. Nhưng có một nguồn trứng cá muối khác. Ngày nay, nhiều nơi đã nuôi cá tầm bền vững. Bằng cách này, người tiêu dùng vẫn có thể thưởng thức trứng cá muối trong khi nguồn cá tầm từ từ hồi phục trong môi trường được kiểm soát và giám sát.
Xem thêm: 9 quán brunch đáng để đi khắp thế giới
Minh Linh